Ngày xưa có một lần tôi đọc một bài viết trên mạng về việc các cô gái Hàn và Nhật trước khi ra đường sẽ dùng ít nhất 10 sản phẩm trên gương mặt rồi mới yên tâm rời khỏi nhà. Lúc đó, ý nghĩ đầu tiên của tôi là: “Xài gì mà lắm thế??”. Và ngày nay, trước khi ra khỏi nhà tôi cũng bôi trát đâu cỡ 10 thứ trên gương mặt, kể ra đứa bạn nào cũng nói “Sao mày điệu thế?”. Ông bà ta nói chớ có sai, cười người hôm trước, hôm sau người cười.

Thật rắc rối với các sản phẩm dưỡng da khi bạn trang điểm hằng ngày

Nếu bạn là một người mới bắt đầu đến với thế giới làm đẹp, chắc hẳn khi nghe tới việc sử dụng cả chục món như vậy sẽ cảm thấy hoang mang. Và khi tới các trung tâm mua sắm, nhìn vào khu vực mỹ phẩm thì sẽ choáng ngợp với sự đa dạng của các sản phẩm dưỡng da, trang điểm, cứ như lạc vào Ma Trận vậy. Bạn sẽ thắc mắc không biết cái quỷ này là cái gì, xài ra sao, bôi cái nào trước cái nào sau. Tóm lại là mệt mỏi với họ hàng các anh dưỡng da ấy lắm. Thậm chí, cũng là một sản phẩm cùng công dụng thì ở Nhật chúng nó có tên là lotion, Hàn là emulsion, còn ở Tây có khi lại là fluid… Thôi hãy để Mị đóng vai Keanu Reeves cứu các bạn ra khỏi ma trận ấy.

Đầu tiên, những nguyên tắc chung khi sử dụng các sản phẩm dưỡng da chính là:

Đặc trị từng điểm trước, toàn mặt sau

Đầu tiên, làm sạch da cái đã. Buổi tối đi về nhà hãy thực hiện đầy đủ các bước làm sạch sau:

1. Tẩy trang – Makeup Remover: Tẩy trang mắt trước, sau đó đến mặt.
2. Sữa rửa mặt – Facial Foam/ Cleanser
3. Nước hoa hồng – Toner/ Softener/ Enhancer/ Balancer/Lotion… Sản phẩm này có rất nhiều tên, tuỳ theo các hãng mỹ phẩm. Nôm na, đây là sản phẩm giúp bạn làm sạch da thêm 1 làn nữa và cân bằng độ ẩm cho da sau khi rửa mặt. Sau đó, đến lượt các sản phẩm dưỡng da hằng ngày.

4. Tẩy da chết hóa học

Khác với tẩy tế bào chết vật lý vốn sử dụng sau bước rửa mặt và rửa sạch ngay sau đó, bước tẩy da chết hóa học sẽ là bước mở đầu cho quá trình chăm sóc da và sẽ không rửa sau khi bôi.

5. Tinh chất – Essence/ Serum/ Ampoule

Thông thường, đây là sản phẩm có tác dụng lớn nhất, hiệu quả nhất và (thường là) đắt nhất trong 1 dòng hàng. Có khi cả 3 cái tên Essence, Serum, Ampoule đều gọi chung là tinh chất. Tuy nhiên, 3 sản phẩm này sẽ có sự khác biệt chút ít.

Essence và Serum thường giống nhau, chỉ khác ở chỗ tuỳ hãng gọi tên như thế nào. Còn nếu trong cùng 1 nhãn hàng thì essence sẽ ít nồng độ dưỡng chất hơn serum một tí.  Tùy loại essence, thường thì essence sẽ nhẹ và lỏng hơn, với vai trò cấp nước nên dùng trước nhưng càng ngày ranh giới càng được xóa mờ. Có những hãng hoặc khi bạn kết hợp nhiều sản phẩm của các hãng khác nhau thì sẽ thấy essence dày hơn mà serum thì lại lỏng nhẹ hơn.

Còn ampoule là tinh chất đậm đặc nhất, chứa nhiều dưỡng chất nhất, giải quyết vấn đề da trực tiếp nhất. Nên nếu dùng chung với serum và essence, ampoule sẽ đi trước.

6. Sữa dưỡng – Emulsion/Lotion/Milk

Nếu bạn có da dầu, da hỗn hợp thì đây là sản phẩm không thể thiếu. Sữa dưỡng có kết cấu lỏng, nhẹ và nhiệm vụ chính của nó sẽ là cân bằng lượng dầu và nước trên làn da. Da hỗn hợp, da dầu thường có lượng dầu nhiều hơn lượng nước. Và da càng thiếu nước thì càng tiết dầu nhiều. Chính vì thế, sữa dưỡng sẽ giúp bạn cân bằng lại được làn da của mình.

7. Kem mắt – Eyecream

Nếu bạn đã 25 tuổi mà vẫn chưa có một tuýp kem mắt nào trong túi đồ nghề làm đẹp của mình thì bạn đừng trách sao biển xanh lại mặn – nếp nhăn mắt hình thành lúc nào không hay. Không cần quá cầu kì, hãy mua 1 tuýp kem mắt cơ bản và bôi lên vùng da mỏng quanh mắt mỗi tối. Lưu ý, luôn luôn xoa kem trên 2 đầu ngón áp út cho kem mềm ra, sau đó lăn nhẹ ngón tay trên da. Đừng miết, kéo vùng da mắt vì bạn sẽ vô tình tặng thêm cho mình vài nếp chân chim khi chưa đến 30 tuổi.

8. Kem dưỡng – Cream/Moisturizer

Đây là bước cuối cùng trong quy trình dưỡng da. Kem dưỡng không phải là sản phẩm gì quá xa lạ nữa vì gần như ai cũng sở hữu một hũ kem xinh xinh bôi bôi vào mỗi tối. Kem dưỡng có tác dụng tạo một lớp màng bảo vệ da và ngăn chặn sự thoát hơi nước trên da. Kem dưỡng có 2 loại chính: kem dưỡng gốc dầu (oil base) và kem dưỡng ít dầu/ gốc nước (water base). Nghe là biết cái nào dành cho da nào liền. Nếu da bạn khô (hoặc phụ nữ da bị lão hoá) nên chọn kem dưỡng có gốc dầu. Còn da bạn nào thừa dầu quá rồi thì chọn loại nào ít dầu thôi nhé.

Nãy giờ tôi đã giới thiệu cho các bạn những sản phẩm phổ biến trong 1 quy tình chăm sóc da và trình tự sử dụng của chúng. Tuy nhiên, hiện tại trên thị trường có rất nhiều sản phẩm “lạ” và cách sử dụng cũng trớt quớt không kém. Chính vì thế, để chắc ăn nhất, trước khi mua sản phẩm nào, bạn nên hỏi kĩ người bán hoặc xem kĩ review để biết được công dụng thực sự của sản phẩm đó là gì.

Không biết tôi ghi như thế này đã dễ hiểu chưa nhỉ? Nếu có gì thắc mắc thì đừng ngại hỏi nhé.

Chúc các bạn dưỡng da đầy đủ, xinh càng thêm xinh,