Như mình đã nói ở những bài viết về tẩy tế bào chết trước đây là có 2 phương pháp tẩy tế bào chết cơ bản đó là:

Tẩy tế bào chết vật lý (phương pháp cơ học) và tẩy tế bào chết hóa học (AHA và BHA)

Trước khi đọc tiếp bài viết này, bạn nên đọc qua bài viết Hướng dẫn chi tiết tẩy tế bào chết cho da mặt an toàn và hiệu quả để có thể hiểu rõ hơn về khái niệm tẩy tế bào chết cũng như sự khác nhau về hai phương pháp tẩy tế bào chết trên.

Ở bài viết này, mình sẽ chỉ tập trung về phương pháp tẩy tế bào chết hóa học với AHA và BHA.

Vậy:

  • AHA và BHA là gì?
  • Bao nhiêu tuổi thì nên bắt đầu sử dụng?
  • Dùng AHA và BHA có cần phải rửa lại với nước không?
  • Và nên dùng AHA và BHA như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất?

Tất cả những thắc mắc trên của bạn sẽ được mình bật mí dưới đây.

Trước khi đi vào tìm hiểu về AHA và BHA là gì thì để mình giải thích lí do vì sao bạn nên chọn phương pháp tẩy tế bào chết hóa học thay vì vật lý nhé!

Một trong những lý do mà dạo gần đây mình đã chuyến hẳn sang phương pháp tẩy tế bào chết hóa học thay vì vật lý là việc sử dụng tẩy tế bào chết có hạt scrub cực kỳ gây hại cho môi trường.

Vì bản chất các hạt scrub này là các hạt vi nhựa (có kích thước dưới 5mm được làm từ Polyme tổng hợp).

Đó là lí do khiến các hạt vi nhựa này không thể phân hủy và nó sẽ theo dòng nước trôi xuống cống, ra môi trường biển. Lúc này những sinh vật biển sẽ lầm tưởng rằng đây là thức ăn và con người chúng ta lại quay trở lại ăn những sinh vật biển ấy.

Cứ thế nó sẽ lặp đi lặp lại thành một vòng luẩn quẩn…

Để hiểu rõ hơn về tác hại của các hạt scrub có trong sản phẩm tẩy tế bào chết, bạn có thể đọc thêm bài viết “Con người đang ăn hạt vi nhựa mỗi ngày và tự giết mình mà không biết”.

Với những bạn có làn da thường, da hỗn hợp, da khỏe thì khá phù hợp với phương pháp tẩy tế bào chết vật lý, vì nó sẽ giúp lấy đi các tế bào chết nằm trên bề mặt da của bạn.

Ngược lại, với những loại da còn lại, đặc biệt là da mụn nhất là mụn viêm thì phương pháp tẩy tế bào chết vật lý lúc này lại cực kỳ cực kỳ hại cho da luôn.

Tại sao mình lại nói vậy?

Vì khi bạn sử dụng phương pháp tẩy tế bào chết vật lý, tức là bạn sử dụng lực ở tay để massage trên da, kết hợp với những hạt li ti ở trong sản phẩm tẩy tế bào chết để lấy lớp da chết, sừng già nằm trên bề mặt da.

Với những bạn đang gặp vấn đề về mụn viêm thì vùng da này cực kì yếu và việc massage lúc này sẽ khiến vết mụn dễ bị tổn thương hơn, và các vi khuẩn ở vùng mụn sẽ dễ lây lan sang những vùng da khác khiến da bạn nổi nhiều mụn hơn, tiết dầu nhiều hơn hay bị kích ứng hoặc nổi mẩn đỏ.

Giải pháp lúc này cho những bạn da mụn và mọi loại da khác đó là:

Sử dụng phương pháp tẩy tế bào chết hóa học với AHA và BHA.

Với AHA và BHA thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng với mọi tình trạng da, bất kể là bạn đang gặp vấn đề về mụn viêm hay mụn ẩn.

Với những bạn đang bị mụn thì phương pháp tẩy tế bào chết hóa học không những giúp da đẩy các bã nhờn, cồi mụn nhằm làm sạch lỗ chân lông, thông thoáng cho da mà còn hỗ trợ đẩy mạnh quá trình sản sinh tế bào mới cho da, mang lại cho bạn một làn da trẻ trung và căng bóng.

Ngoài ra, nếu bạn không có vấn đề gì về mụn thì vẫn hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp tẩy tế bào chết hóa học với AHA và BHA để làm sạch lỗ chân lông một cách hiệu quả nhất, giúp ngăn ngừa mụn và giúp da căng bóng, khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên, vì nó là phương pháp tẩy tế bào chết hóa học nhờ các phân tử AHA và BHA (acid có độ pH từ 3-4) nên khi sử dụng bạn phải hiểu rõ về cơ chế hoạt động cũng như liều lượng sử dụng chúng ra sao để mang lại hiệu quả tốt nhất với da bạn và tránh mắc phải những sai lầm không mong muốn.

Nhưng trước tiên hãy cũng mình tìm hiểu rõ hơn về AHA và BHA là gì nhé!

AHA và BHA là gì?

AHA – Alpha Hydroxy Acid là một dạng axit gốc nước có nguồn gốc chủ yếu từ sữa, trái cây và các loại đường.

Có hai loại AHA phổ biến nhất hiện nay đó là Glycolic Acid (mía) và Lactic Acid (sữa). Ngoài ra AHA còn có các dạng chiết xuất khác như: Malic Acid, Citric Acid, Tartaric Acid…

BHA- Beta Hydroxy Acid là một dạng axit gốc dầu có nguồn gốc từ Acid Acetylsalicylic hoặc là Aspirin và chỉ có một dạng duy nhất đó là Salicylic Acid.

Cơ chế hoạt động của AHA và BHA

Vì có tính tan trong nước nên AHA sẽ chỉ hoạt động trên bề mặt da. Lúc này, những liên kết của các tế bào chết sẽ bị đứt gãy và dễ dàng trôi đi hơn, giúp thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào mới, giúp da khỏe mạnh hơn.

Điều này đặc biệt phù hợp với những bạn nào da khô, da lão hóa vì nó không những giúp giảm thiểu tối đa sự xuất hiện của các nếp nhăn mà còn kích thích da sản xuất collagen.

AHA được sử dụng tốt nhất trong các sản phẩm ở lại trên da như gel, cream hoặc lotion thì sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.

Lấy ví dụ nếu bạn sử dụng AHA có trong sữa rửa mặt, thường là bạn sẽ rửa đi trong vài phút. Thì lúc này, AHA sẽ bị trôi đi trước khi có cơ hội phát huy tác dụng.

Thêm nữa, hiệu quả của AHA còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ, độ pH…tùy vào tình trạng da cũng như mục đích dưỡng da của bạn. Cái này mình sẽ nói cụ thể hơn ở phần sau.

Cũng giống AHA, BHA hoạt động bằng cách tẩy tế bào chết giúp da xuất hiện với một diện mạo tươi mới, trẻ trung và khỏe mạnh hơn. Nhưng cách thức hoạt động thì có phần khác nhau.

Nếu AHA chỉ hoạt động trên bề mặt da, thì lúc này BHA sẽ hoạt động và đi vào tận sâu từng lỗ chân lông. Trên đường đi nó sẽ hòa tan với những lớp dầu, bụi bẩn, bã nhờn bị bí tắc sâu trong lỗ chân lông và giúp da của bạn không những được thông thoáng mà còn trở nên mịn màng hơn rất nhiều.

Đó là lý do mà BHA được gọi là một trong những giải pháp tuyệt vời nhất trong cuộc chiến điều trị mụn, đặc biệt là mụn ẩn.

Không những thế, BHA còn giảm thiểu tối đa sự xuất hiện của các nếp nhăn và hỗ trợ cực kỳ tốt trong việc làm giảm các rối loạn sắc tố da.

Tùy thuộc vào tình trạng da và mục đích sử dụng của bạn sẽ quyết định bạn nên lựa chọn sản phẩm chứa BHA ở lại trên da hoặc phải rửa đi sau một thời gian nhất định. Cái này mình sẽ nói chi tiết hơn ở phần sau.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về AHA và BHA trong việc lựa chọn sản phẩm sao cho phù hợp.

AHA BHA
Da khô Da dầu
Da lão hóa Da mụn
Da không đều màu, tàn nhang Da bị rối loạn sắc tố
Da bị thô ráp Da có vết thâm mụn

 

Nhưng điều này không có nghĩa là AHA chỉ dùng cho da khô và BHA chỉ dùng cho da dầu, mà điều quan trọng là bạn sử dụng chúng ra sao với liều lượng như thế nào?

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG AHA VÀ BHA HIỆU QUẢ NHẤT CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

Như mình đã nói thì việc tẩy tế bào chết hóa học với AHA và BHA là phương pháp lý tưởng nhất cho tất cả mọi người, mọi nhà, bất kì độ tuổi hay tình trạng da nào.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn có thể sử dụng bừa bãi, vì bản chất AHA và BHA vẫn là axit mà!

Mình chắc chắn rằng khi mới bắt đầu nghe đến tẩy tế bào chết hóa học mọi người cũng sẽ bị như mình, cảm giác hoang mang không biết là nên sử dụng AHA và BHA như thế nào cho đúng?

Nên dùng với nồng độ như nào, tần suất ra sao?

Rồi nghe nói dùng AHA và BHA thì sẽ bị đẩy mụn kinh lắm…

Đừng quá lo lắng, thay vào đó hãy đọc tiếp phần chia sẻ của mình dưới đây để nắm chắc trong tay việc sử dụng AHA và BHA thế nào cho hiệu quả nhất nhé!

Nồng độ sử dụng AHA và BHA phù hợp

Như mình đã nói, không phải là AHA là chỉ dành riêng cho những bạn da khô và BHA chỉ dành riêng cho những bạn da dầu, mà nó còn phụ thuộc vào mục đích và tình trạng da của bạn như thế nào.

Nồng độ lý tưởng nhất của AHA khi sử dụng trên da là từ 5-10%. Số ít trường hợp sẽ dùng tới AHA với nồng độ trên 20%, tuy nhiên cần phải được kê đơn từ bác sĩ da liễu.

Cụ thể hơn là:

  • AHA nồng độ từ 2% – 5%: Thích hợp để loại bỏ tế bào chết trên bề mặt, làm thông thoáng lỗ chân lông cũng như hỗ trợ tình trạng da sần sùi, da khô bong tróc.
  • AHA nồng độ từ 5% – 10%: Thích hợp để duy trì làn da mịn màng và khỏe mạnh. Cải thiện tốt những vấn đề về da lão hóa như xỉn màu, nếp nhăn vùng khóe miệng.
  • AHA nồng độ từ 12% trở lên: Trong những trường hợp sử dụng AHA với nồng độ cao như thế này, bạn cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ da liễu, tuyệt đối không được tự ý sử dụng tại nhà.

Khác với AHA, nồng độ để BHA có thể hoạt động tốt trên da nằm trong khoảng từ 1% – 4%.

Vậy bạn nên dùng BHA ở nồng độ nào?

  • BHA nồng độ 1%: Thích hợp với những bạn mới bắt đầu sử dụng BHA chỉ muốn tẩy tế bào chết hóa học đơn thuần, dịu nhẹ hoặc những bạn da nhạy cảm.
  • BHA nồng độ 2%: Thích hợp với những bạn nào đang gặp những vấn đề da như mụn ẩn, vết thâm do mụn để lại hoặc lỗ chân lông to.
  • BHA nồng độ 4%: Thích hợp với những bạn thật sự hợp với BHA. Tức là đã thử qua những sản phẩm có nồng độ BHA thấp trước và cảm thấy em ấy có hiệu quả trên da và muốn đẩy nhanh hơn hiệu quả trị thâm, trị mụn và thu nhỏ lỗ chân lông.

Với những bạn mới sử dụng BHA thì nên bắt đầu với nồng độ thấp trước, rồi tăng nồng độ, tần suất dần dần. Tránh dùng BHA với nồng độ cao ngay từ đầu, điều này rất dễ khiến da bạn bị nhạy cảm, nặng hơn là bị kích ứng.

Như cá nhân mình, thời gian đầu mới thêm BHA vào chu trình dưỡng da thì mình chọn loại có nồng độ 1% và mình dùng với tần suất 1 lần/ tuần.

Sau 2 tuần, mình tăng lên 2 lần/ tuần. Rồi mình quan sát xem da có phản ứng gì không, có bị kích ứng gì hay không.

Ví dụ vào mùa đông, khi mà mình dùng BHA mỗi ngày thì mình thấy vùng da khóe mũi, với xung quanh miệng bị khô mặc dù mình đã cấp ẩm rất đầy đủ, thì lúc này mình sẽ tự giảm tần suất sử dụng xuống, tăng cường cấp ẩm lên.

Sau đó mình lại tăng lên 3 lần/ tuần cho đến khi da thực sự làm quen với BHA thì mình dùng mỗi ngày luôn.

À, thêm nữa ở BHA thì nồng độ an toàn để sản phẩm ở lại trên da qua đêm chỉ nằm trong khoảng từ 1-2%, còn từ 3% trở lên bắt buộc là phải rửa đi sau một thời gian nhất định.

Còn tất cả các sản phẩm trên 10% thì phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Tương tự với AHA cũng vậy. Hãy nhớ, luôn bắt đầu từ sản phẩm có chứa nồng độ thấp trước.

Điều quan trọng nhất vẫn là bạn nên tự mình lắng nghe xem điều da bạn thực sự cần là gì.

Nhiều bạn thường thắc mắc:

Vậy nên chọn AHA hay BHA?

Như mình đã nói, không có bất kỳ một sự quy chuẩn nào cho việc chọn AHA hay BHA cả.

Những bạn da khô vẫn hoàn toàn có thể dùng BHA và những bạn da dầu cũng vẫn cứ chọn AHA. Hiệu quả hay không phụ thuộc vào cách bạn sử dụng chúng như thế nào?

Bạn hoàn toàn có thể dùng xen kẽ AHA và BHA.

Ví dụ: Thứ hai mình dùng AHA rồi thì cách một ngày hôm sau mình sẽ đổi sang BHA. Sau đó, tự tinh chỉnh sao cho phù hợp với skincare routine của mình.

Thứ tự sử dụng AHA và BHA đầy đủ

Dù vấn đề hay mục đích của bạn là gì đi chăng nữa thì các bước skincare của bạn luôn phải đảm bảo ba công đoạn.

Làm sạch – Dưỡng ẩm – Bảo vệ”

Và với việc sử dụng AHA và BHA cũng vậy. Bạn không thể sử dụng chúng nếu thiếu một trong 3 công đoạn quan trọng này.

Cụ thể hơn thứ tự khi sử dụng AHA và BHA sẽ là: Rửa mặt – toner – AHA/ BHA – Dưỡng ẩm

Vì AHA và BHA đều là axit nên đối với AHA sẽ hoạt động tốt nhất ở ngưỡng pH < 4, BHA ở ngưỡng pH = 3 và giảm dần hiệu qua khi pH = 4 (tức là có tính axit).

Vì sau bước rửa mặt, thường da của chúng mình sẽ có tính kiềm. Lúc này, toner sẽ hoạt động đúng với vai trò của nó là đưa da về mức độ pH cân bằng, tức môi trường lý tưởng nhất để AHA và BHA hoạt động.

Thời gian đầu mới sử dụng bạn chỉ nên thoa một lớp cực kỳ mỏng cho toàn bộ vùng da mặt, hoặc chỉ riêng những vùng da bị mụn, hoặc bạn cảm thấy cần phải điều trị mà thôi.

4 lưu ý quan trọng nhất định phải nhớ khi sử dụng AHA và BHA

Cấp ẩm đầy đủ cho da

Với những bạn sử dụng BHA thì nên chọn thêm cho mình một sản phẩm cấp ẩm dịu nhẹ/ hoặc chuyên biệt tùy thuộc vào nồng độ BHA mà bạn chọn.

Vì bản chất công việc của BHA là dọn dẹp sạch sâu lỗ chân lông, giải quyết tất tần tật những vấn đề về mụn nên bạn bắt buộc phải chú ý khâu cấp ẩm cho da nhé!

Hoặc khi chọn lựa sản phẩm thì bạn có thể chọn dạng lotion để có thêm thành phần cấp ẩm dịu nhẹ thay vì chọn dạng gel/ dạng liquid.

Luôn nhớ dùng kem chống nắng

Khi sử dụng AHA và BHA thì bạn bắt buộc phải DÙNG KEM CHỐNG NẮNG.

Cho dù bạn đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa, tình trạng hay vấn đề da như thế nào thì mình cũng khuyên là các bạn nên dùng kem chống nắng đi.

Vì không biết sau 10 năm, 20 năm nữa da bạn sẽ lão hóa như thế nào bởi tia cực tím đâu.

Còn về phần AHA và BHA, khi bạn sử dụng phương pháp tẩy tế bào chết hóa học đồng nghĩa là bạn đang loại bỏ đi một lớp da sừng/ tế bào chết.

Điều này khiến da bạn trở nên cực kỳ nhạy cảm và dễ tổn thương hơn gấp nhiều lần bình thường dưới tác động của tia UV.

Vậy nên…

Nhất định phải dùng kem chống nắng khi dùng AHA và BHA nha các bạn ơi!

Không kết hợp ngay sản phẩm chứa Niacinamide hoặc Vitamin C

Thêm một lưu ý nữa cho các bạn khi đang sử dụng AHA và BHA mà muốn kết hợp thêm sản phẩm có chứa Niacinamide hoặc Vitamin C thì nhớ đợi khoảng 25-30 phút sau khi sử dụng axit rồi hãy apply để tránh bị kích ứng nhé.

Bình tĩnh với quá trình đẩy mụn (purging) khi sử dụng AHA và BHA

Khi sử dụng AHA và BHA thì không thể không tránh khỏi quá trình đẩy mụn hay còn gọi là purging.

Một trong những vấn đề khiến đông đảo mọi người còn e ngại khi sử dụng AHA và BHA.

Vì BHA sẽ đi sâu vào từng lỗ chân lông để làm sạch các chất bụi bẩn, chất gây mụn cũng như lớp tế bào chết già cỗi nên biểu hiện đầu tiên khi sử dụng là những chú mụn ẩn sâu phía dưới da sẽ nhanh chín, và nổi cồi mụn đẩy chúng lên bề mặt da.

Chu trình sừng hóa da của mỗi chúng ta trung bình từ 3-4 tuần. Khi hết một chu trình này lớp tế bào chết bên trên cũng sẽ được thay thế bằng lớp da mới, quá trình này còn được gọi là quá trình turn over.

Cho nên, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng da của bạn mà thời gian purging sẽ kéo dài từ 2 tuần – 4 tuần. Nếu mụn của bạn kéo dài hơn 3 tháng, da vẫn tiếp tục có nhiều nốt mụn mới thì đó không phải là quá trình purging mà là break out (dị ứng).

Làm thế nào để phân biệt mụn purging (đẩy mụn) với mụn break out (dị ứng)?

Purging (quá trình đẩy mụn ẩn) là hiện tượng thường gặp sau một thời gian khi bạn sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học có chứa AHA và BHA.

Ở giai đoạn này, trên bề mặt da bạn sẽ xuất hiện rất nhiều mụn: mụn nốt đỏ, mụn đầu trắng thậm chí là mụn mủ.

Đặc điểm của các mụn này là xuất hiện ở các vị trí da sần, có sẵn mụn ẩn, mụn đầu đen.

Break out (dị ứng) là hiện tượng thường gặp sau khi bạn sử dụng sản phẩm có chứa AHA hoặc BHA có xuất hiện những nốt đỏ nhỏ, tràn lan và gây ngứa trên da. Nó khác hoàn toàn với cảm giác châm chích khi bạn tẩy tế bào chết hóa học với AHA và BHA.

Ví dụ: vùng da hai bên má của bạn trước giờ luôn sạch mụn nhưng sau khi dùng sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học với AHA và BHA thì vùng da quanh má bắt đầu nổi nhiều mụn hơn, có cảm giác châm chích kéo dài thì đó chính là hiện tượng break out.

Cảm giác châm chích (purging) một lát sẽ hết, còn dị ứng (break out) có thể kéo dài vài ngày.

Trong trường hợp gặp phải hiện tượng break out này, bạn hãy ngưng sử dụng các sản phẩm có chứa AHA và BHA trong một thời gian để xác định rõ ràng nguyên nhân và chuyển sang một sản phẩm khác.

Vào những ngày bị dị ứng, bạn nên tối giản các bước skincare hết mức có thể. Sử dụng thêm các sản phẩm xịt khoáng có chứa Zinc để làm dịu nhẹ các nốt mụn.

Còn về cách chăm sóc da trong quá trình purging?

Cách chăm sóc da trong quá trình purging khi sử dụng AHA và BHA

Trong thời gian purging, bạn nên chăm sóc da tốt để tránh sự lây lan của mụn.

Bạn có thể giảm tần suất sử dụng BHA nếu thấy mụn bị đẩy lên nhiều quá.

Đồng thời với các nốt mụn viêm bạn có thể tìm các dòng sản phẩm treatment có chứa Benzoyl Peroxide để giảm viêm và trị mụn.

Tránh tuyệt đối các sản phẩm chăm sóc da chứa các thành phần gây kích thích như cồn, các loại tinh dầu, nước hoa, menthol…

Bổ sung thêm các sản phẩm có chứa Niacinamide hoặc Vitamin C để hạn chế thâm mụn, sẹo mụn nhé!

Trên đây là toàn bộ chia sẻ về kinh nghiệm của mình về AHA và BHA.

Hy vọng rằng sau khi đọc xong bài viết bạn có thể mạnh dạn chọn cho mình một sản phẩm chứa AHA và BHA phù hợp cũng như hiệu quả nhất nhé!